Image
05/11/2020 | by Silver Ant Tattoo

Xăm Việt Nam - Hình Thành Và Phát Triển

Ra đời và phát triển giữa những ánh nhìn không mấy thiện cảm, những định kiến nặng nề của xã hội. Xăm vẫn âm thầm tồn tại, âm thầm nở, âm thầm khoe sắc như những bông hoa quỳnh về đêm trong lòng cộng đồng những người yêu xăm, những người nghệ sĩ tattoo thực thụ. Để đến bây giờ đây, ngành xăm đã phát triển ngày một rực rỡ hơn, trở thành một mảng lớn, tạo ra lượng sản phẩm không hề nhỏ trong ngành làm đẹp. Cũng giống như trong tổng thể của mảng hội hoạ, những nghệ sĩ xăm mình ngày một có tiếng nói hơn, được thế giới công nhận về tài năng, chứ không chỉ đơn thuần là những anh “thợ xăm" như xưa.

Trên thế giới, xăm hình là một môn nghệ thuật có từ lâu đời, xuất phát từ các bộ tộc xa xưa của nhiều nước. Còn ở Việt Nam, trong sách Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần viết: một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình, kéo dài đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang. Đáng kinh ngạc phải không mọi người. Xăm trổ? Văn Lang? … sơ khai của môn nghệ thuật này ở Việt Nam có lẽ có tuổi đời cũng ngang ngang với đất nước chúng ta… 

Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) chép: Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.

Nhằm khẳng định lý do xăm mình của người Việt cổ, Từ điển Lễ tục Việt Nam cũng ghi: Người Việt cổ từ 2000- 3000 năm trước có tục xăm hình những con thủy quái (rồng, rắn..) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay…. Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn, nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng.

Trải qua năm tháng, hình xăm không còn được dùng để doạ thuỷ quái nữa. Vào thế kỉ 20, có lẽ xăm hình được ưa chuộng nhất bởi bộ phận dân anh chị, giang hồ để thể hiện sự nổi trội, sức mạnh của bản thân. Một phần cũng là để phân biệt các băng đảng. Lâu dần, quan niệm “người thích xăm hình là những người ngổ ngáo, thích ăn chơi, thích chơi trội, có máu giang hồ trong người,...” dần dần len lỏi vào đại đa số người dân Việt Nam, tạo cho ngành xăm trổ có một ấn tượng khá xấu với những người chưa kịp quen và tiếp nhận thứ văn hoá này, đặc biệt là tầng lớp các cô các chú các bác lớn tuổi.

Theo quan điểm cá nhân, có lẽ sự yêu thích xăm trổ của dân anh chị, giang hồ không hề có gì sai trái cả. Có chăng, trong giai đoạn sơ khai của ngành, khi xăm còn là môn nghệ thuật mới, thì chính bộ phận các anh chị em “giang hồ" đó, họ là những người mạnh mẽ, có cá tính, họ dám đi đầu, dám thử cái mới, không ngại thể hiện cá tính của mình, không sợ người đời phán xét nên họ dám chơi, dám chấp nhận đau đớn để có những hình xăm thể hiện chất riêng hay ghi dấu những cột mốc kỉ niệm của cuộc đời. Theo quan điểm của tôi, anh em ngành xăm chúng ta nên cảm ơn những vị khách đầu tiên này, những vị khách đã đặt nền móng để toàn thể ngành xăm chúng ta có được ngày hôm nay.

Thế kỉ 21, xăm hình ngày càng được đón nhận, những định kiến về xăm ngày càng phai nhạt dần khi mà ngày một nhiều người yêu xăm hình hơn, và bắt đầu coi đó như một môn nghệ thuật thực sự. Không thể tách xăm hình ra khỏi hội hoạ, xăm hình có đầy đủ mọi yếu tố của hội hoạ nhưng ở độ khó cao hơn rất nhiều. Nếu như các mảng khác của hội hoạ là vẽ lên giấy, gỗ, tường, … hay một số chất liệu khác... thì xăm hình là vẽ lên da, một bề mặt không hề phẳng, không hề dễ dàng bám mực, thậm chí còn di chuyển theo hơi thở, không hề cố định. Không chỉ là vấn đề bề mặt, công cụ vẽ và xăm cũng có sự khác biệt cực kì to lớn. Trong khi công cụ vẽ (bút chì, bút lông, cọ sơn,...) nhẹ, không rung lắc, rất dễ kiểm soát độ đậm nhạt khi vẽ. Ngược lại, công cụ xăm (máy xăm) nặng, rung lắc với tần số lớn, rất khó kiểm soát, đặc biệt cộng thêm với sự không ổn định của bề mặt da như đã nói ở trên, kèm theo độ sưng tấy cũng như máu và huyết tương làm mờ bề mặt, kiểm soát độ đậm nhạt trở thành bài toán cực khó với bất kì artist nào. Để thực hiện người nghệ sĩ bắt buộc phải lên ý tưởng, chuẩn bị bố cục cực kì kĩ lưỡng. Và một điều đặc biệt khác không thể không nói đến: da người là vô giá, sẽ không có thứ gì gọi là “bút xoá" hay “cục tẩy" trong xăm hình cả. Sai 1 ly, đi 1 dặm, đó cũng là một trong những lý do góp phần tăng độ khó cho game này, biến xăm trổ thành môn chơi mà không phải hoạ sĩ nào cũng theo được.

Nhận được cái nhìn thiện cảm hơn, nhiều sự chấp nhận hơn từ cộng đồng, một phần lớn không thể không nhắc đến là công lao của các anh em nghệ sĩ. Một môn nghệ thuật thì không thể thiếu nghệ sĩ và niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là được cống hiến cho nghệ thuật. Học hỏi, trau dồi, không ngừng luyện tập. Trình độ của các nghệ sĩ Việt Nam ngày nay đã vươn tầm thế giới mà liên tục là các giải cao nhất trong các cuộc thi xăm khu vực cũng như quốc tế chính là những sự công nhận của bạn bè trong và ngoài nước. Chính các anh em nghệ sĩ là những người đã thay đổi quan điểm tồn tại bao lâu nay: “Xăm là xấu" sang thành “Xăm không xấu, xăm xấu mới xấu".

Có lẽ, mọi lời nói, biện minh, giải thích hay lăng xê cho ngành xăm sẽ đều không có tác dụng gì nếu như hình xăm của các bạn xấu tệ thực sự. Còn những tác phẩm mang tính nghệ thuật, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp tổng thể của người chơi, những tác phẩm đầu tư và trau chuốt, những tác phẩm đó có khả năng “speak for itself" (tự nói về bản thân mình) - không cần quảng cáo, không cần lăng xê, không cần ca tụng - chỉ cần ngắm là đã tự khắc trầm trồ. 

Ngành xăm ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và vẫn sẽ còn phát triển, thế hệ kế cận, các anh em trẻ tuổi ngày một tài năng hơn, cùng với trang thiết bị hiện đại cùng kinh nghiệm, sự chỉ bảo của các anh lớn trong ngành đang tiến bộ thần tốc. Điều này cũng tạo ảnh hưởng tích cực lên thế hệ những nghệ sĩ đi đầu, đổi mới tư duy, cập nhật phong cách, không ngừng mài dũa bản thân, nâng cao trình độ để giữ vững vị trí như những người “anh cả", dẫn dắt các anh em chinh phục không chỉ là trong nước hay khu vực châu Á, mà còn là cả thế giới.

Một tín hiệu cực vui đối với ngành xăm chúng ta: Thời gian gần đây, thế giới đã bắt đầu để ý và nhìn nhận rất tích cực về trình độ của các nghệ sĩ nước nhà. Lượng theo dõi rất cao. Đã có rất nhiều khách hàng ở cách chúng ta nửa vòng trái đất cũng đã quyết định đến Việt Nam với mục đích chính, mục đích số 1 là để xăm, chứ không đơn thuần là kết hợp đi du lịch như xưa nữa. Đây rõ ràng là sự tưởng thưởng to lớn cho những cố gắng của tất cả anh em và cũng là động lực để chúng ta vươn xa hơn nữa, cạnh tranh sòng phẳng với bạn bè thế giới.