Ra đời và phát triển giữa những ánh nhìn không mấy thiện cảm, những định kiến nặng nề của xã hội. Xăm vẫn âm thầm tồn tại, âm thầm nở, âm thầm khoe sắc như những bông hoa quỳnh về đêm trong lòng cộng đồng những người yêu xăm, những người nghệ sĩ tattoo thực thụ. Để đến bây giờ đây, ngành xăm đã phát triển ngày một rực rỡ hơn, trở thành một mảng lớn, tạo ra lượng sản phẩm không hề nhỏ trong ngành làm đẹp. Cũng giống như trong tổng thể của mảng hội hoạ, những nghệ sĩ xăm mình ngày một có tiếng nói hơn, được thế giới công nhận về tài năng, chứ không chỉ đơn thuần là những anh “thợ xăm" như xưa.
Trên thế giới, xăm hình là một môn nghệ thuật có từ lâu đời, xuất phát từ các bộ tộc xa xưa của nhiều nước. Còn ở Việt Nam, trong sách Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần viết: một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình, kéo dài đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang. Đáng kinh ngạc phải không mọi người. Xăm trổ? Văn Lang? … sơ khai của môn nghệ thuật này ở Việt Nam có lẽ có tuổi đời cũng ngang ngang với đất nước chúng ta…
Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) chép: Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.
Nhằm khẳng định lý do xăm mình của người Việt cổ, Từ điển Lễ tục Việt Nam cũng ghi: Người Việt cổ từ 2000- 3000 năm trước có tục xăm hình những con thủy quái (rồng, rắn..) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay…. Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn, nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng.